1. Nguyên nhân người tiểu đường bị hạ đường huyết?

Hạ đường huyết xảy ra khi cơ thể bạn không có đủ lượng đường glucose* cần thiết trong máu. Thông thường, nồng độ đường huyết lúc đói <70 mg/dl được xem là hạ đường huyết.

*Đường glucose là nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng chính cho cơ thể chúng ta.

1.1. Nguyên nhân người tiểu đường bị hạ đường huyết

Bạn có thể hiểu một cách đơn giản, nguyên nhân cốt lõi của hạ đường huyết là sự mất cân bằng giữa lượng đường nạp vào và lượng đường mất đi.

Sự suy giảm lượng đường nạp vào và/hoặc sựtănglên củalượng đường mất đisẽ gây ra tình trạnghạ đường huyết.

– Lượng đường nạp vào đến từ: thức ăn

– Lượng đường mất đi đến từ: việc dùng thuốc trị tiểu đường hoặc tập thể dục

Sự suy giảm lượng đường nạp vào và/hoặc sự tăng lên của lượng đường mất đi gây ra hạ đường huyết

Theo đó, các trường hợp thường gặp của hạ đường huyết bao gồm:

Dùng quá liều insulin hoặc thuốc trị tiểu đường khác (điển hình là thuốc nhóm sulfonylurea): Các loại thuốc này thông thường sẽ giúp bạn làm giảm lượng đường trong máu về mức mục tiêu điều trị. Tuy nhiên, khi bạn dùng quá liều so với chỉ định của bác sĩ, chúng sẽ khiến bạn bị giảm đường huyết quá mức cho phép, từ đó gây nên hạ đường huyết.

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là nguy hiểm? Cách phòng tránh hạ đường huyết

– Ăn không đủ lượng: Nên nhớ, thức ăn là nguồn cung cấp đường chủ yếu của cơ thể. Khi bạn ăn không đủ, lượng đường nạp vào sẽ thiếu, từ đó làm giảm lượng đường trong máu và gây hạ đường huyết.

– Ăn trễ hoặc bỏ bữa (kể cả bữa chính và bữa ăn nhẹ): Điều này tương tự cơ chế của việc ăn không đủ lượng, thậm chí, việc ăn trễ hoặc bỏ bữa còn khiến bạn có khả năng bị hạ đường huyết nặng hơn.

Tăng cường vận động nhưng lại giảm cung cấp năng lượng (giảm ăn) hoặc không điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp: Việc hoạt động nhiều hơn khiến cơ thể bạn đốt cháy nhiều đường hơn để tạo năng lượng. Điều này đòi hỏi bạn phải ăn nhiều hơn để cân bằng lại lượng đường đã mất. Tương tự, thuốc trị tiểu đường sẽ làm giảm đường huyết. Do đó, bạn cần được chỉnh liều thuốc phù hợp để giảm khả năng bị hạ đường huyết quá mức.

– Uống rượu bia: Đồ uống có cồn sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng gan. Gan là nơi giúp bạn sản xuất và giải phóng đường glucose. Do vậy, nếu gan bị ảnh hưởng thì nồng độ đường huyết của bạn cũng bị ảnh hưởng theo.

1.2. Hạ đường huyết có nguy hiểm không?

Hạ đường huyết là một biến chứng cấp nguy hiểm của bệnh đái tháo đường. Nếu như không được phát hiện và xử trí kịp thời, hạ đường huyết có thể dẫn đến tử vong.

Vậy, làm thế nào để bạn có thể kịp thời nhận biết và xử trí các dấu hiệu của cơn hạ đường huyết? Đáp án ở ngay bên dưới đây nhé, hãy cùng chúng tôi khám phá nào!

2. Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi bị hạ đường huyết

2.1. Hạ đường huyết mức độ nhẹ

Thông thường, người hạ đường huyết mức độ nhẹ thường có chỉ số đường huyết giảm xuống <70 mg/dl (55-69 mg/dl) và đi kèm với các triệu chứng như:

  • Run, đổ mồ hôi
  • Tim đập nhanh, nhìn mờ, đói
  • Đột ngột khó chịu hay cáu gắt
Các dấu hiệu hạ đường huyết mức độ nhẹ

Trong trường hợp này, các triệu chứng còn nhẹ và người bệnh hoặc người nhà có thể tự xử lý được theo khuyến cáo của quy luật 15-15. Cụ thể như sau:

QUY LUẬT 15-15

Nạp ngay 15 gam đường glucose, ví dụ:

  • 3-4 viên kẹo
  • 1 muỗng canh đường (3 muỗng cà phê đường)
  • 1/2 lon nước ngọt
  • 1 hộp sữa tươi có đường 250 mL

Sau đó, kiểm tra lại đường huyết sau mỗi 15 phút, nếu đường huyếtcòn thấp dưới 70 mg/dL, lặp lại các bước trên

Khi tình trạng hạ đường huyết không cải thiện sau 3 lần xử trí theo quy luật 15 cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện

Ngay khi đường huyết tăng lên trên mức 70 mg/dl, nên dùng 1 bữa ăn nhẹ nếu chưa đến bữa ăn chính.

Sau khi được sơ cứu theo quy luật 15, bệnh nhân hoặc người nhà cũng cần thông báo đến với bác sĩ chuyên khoa để có thể theo dõi và kịp thời điều chỉnh trong trị liệu.

Lưu ý:

Khi cần xử lý gấp tình trạng hạ đường huyết, việc lựa chọn loại đường sử dụng rất quan trọng. Các loại đường phức tạp, hoặc thực phẩm có chứa đường và kèm thêm chất béo (như sô cô la) có thể làm chậm quá trình hấp thụ glucose và không nên dùng trong trường hợp này.

2.2 Hạ đường huyết mức độ nặng

Ở mức độ hạ đường huyết nặng, khi chỉ số đường huyết xuống <54 mg/dl, người bệnh đã không còn tỉnh táo để tự sơ cứu mình được nữa. Do vậy, người nhà cần lưu ý các triệu chứng dưới đây để đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Nên nhớ, hạ đường huyết chuyển biến nặng nhưng không được điều trị kịp thời có khả năng dẫn đến tử vong!

Triệu chứng hạ đường huyết mức độ nặng:

  • Mất khả năng phối hợp, vận động
  • Lú lẫn
  • Hôn mê, co giật
  • Mất ý thức
Các dấu hiệu hạ đường huyết mức độ nặng

3. Làm thế nào để phòng ngừa hạ đường huyết?

Người bệnh có thể thực hiện các cách sau:

Tuân thủ các biện pháp quản lý bệnh tiểu đường hiệu quả.

Học cách phát hiện sớm các triệu chứng của hạ đường huyết

Theo dõi đường huyết bằng máy đo đường huyết cá nhân (BGM) hoặc máy đo đường huyết liên tục (CGM)

Các thời điểm bạn nên kiểm tra đường huyết là?

  • Trước và sau bữa ăn
  • Trước và sau khi tập thể dục (hoặc trong khi tập, nếu đó là một buổi tập dài hoặc cường độ cao).
  • Trước khi đi ngủ
  • Nếu bạn tập thể dục cường độ cao, hãy kiểm tra đường huyết vào nửa đêm
  • Kiểm tra thêm nếu bạn có bất kỳ thay đổi nào có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết (như thói quen mới trong sử dụng insulin, lịch làm việc thay đổi, hoạt động thể chất tăng lên hoặc đi du lịch đến nơi có múi giờ thay đổi)

Bài viết tham khảo nguồn:

https://diabetes.org/healthy-living/medication-treatments/blood-glucose-testing-and-control/hypoglycemia

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypoglycemia/symptoms-causes/syc-20373685